Danh mục sản phẩm
Quyết định 6150/QĐ-UBND về phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016 – 2020 và định hướng đến năm 2025, Quyết định 655 về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017 – 2020…
Thời gian qua, TP.HCM luôn khuyến khích, vận động người dân phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị đầu tư công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao và đảm bảo vệ sinh môi trường. Để phát triển ngành chăn nuôi đúng hướng và đạt hiệu quả, thành phố đặt ra những mục tiêu cụ thể về ứng dụng công nghệ cao cho ngành chăn nuôi.
Cụ thể, đối với chăn nuôi bò sữa, phấn đấu hết năm 2020, đạt 50 – 60% doanh nghiệp, hộ nông dân ứng dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi. Trong đó, cơ giới hóa trong khâu vắt sữa bò là 90%, chế biến thức ăn cho bò là 40 – 50%, cơ giới hóa chuồng trại chăn nuôi là 70%, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn và quản lý giống. Đến năm 2025, 70 – 80% hộ chăn nuôi ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ các khâu, trong đó: khâu vắt sữa bò là trên 95%, khâu chế biến thức ăn là 70 – 75%, cơ giới hóa chuồng trại là 80%.
Đối với chăn nuôi bò thịt, tập trung đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong khâu chế biến thức ăn, phấn đấu đến năm 2020, 50% hộ sử dụng máy băm, cắt cỏ và trộn thức ăn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn và quản lý giống theo chương trình tiên tiến (BHI) tại các đơn vị sản xuất giống. Đến năm 2025, trên 70% hộ sử dụng máy băm, cắt cỏ và trộn thức ăn; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đàn và quản lý giống theo chương trình tiên tiến (BHI) tại các đơn vị sản xuất giống. Nâng cao tỷ lệ sử dụng hầm biogas và ứng dụng các chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi lên 70% tổng số hộ chăn nuôi.
Đối với chăn nuôi heo, đến năm 2020, tăng tỷ lệ sử dụng chuồng lạnh lên 30%, chuồng sàn là 60%, tăng tỷ lệ sử dụng máng ăn, máng uống tự động. Đến năm 2025, 50% số hộ chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh và 80% sử dụng chuồng sàn trong chăn nuôi heo.
Hiện nay, công nghệ cao được ứng dụng vào chăn nuôi ở rất nhiều khâu, từ chọn tạo giống, sản xuất thức ăn chăn nuôi, vaccin thú y phòng chống dịch bệnh, cho đến tự động hóa dây chuyền sản xuất và chăm sóc đàn vật nuôi, xử lý ô nhiễm trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi cung ứng thị trường… Từng bước hình thành các mô hình chăn nuôi khép kín từ sản xuất con giống đến chế biến, tiêu thụ, góp phần giảm được công lao động, chỉ số tiêu tốn thức ăn, giảm giá thành so với phương thức chăn nuôi truyền thống. Qua đó, có thể khẳng định rằng, ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu trong phát triển chăn nuôi.
T. HOÀN