Phát triển bền vững trong chăn nuôi

  • Biên tập bởi
  • Foodmap ngày 07/03/2021
  • 4370
Hiệu quả từ ứng dụng công nghệ cao

Những năm gần đây, TP Hà Nội đã đẩy mạnh việc ứng dụng CNC vào lĩnh vực sản xuất giống trong chăn nuôi. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Giống gia súc Hà Nội Vũ Văn Hải cho biết, để nâng cao chất lượng giống bò thịt, từ năm 2012, công ty đã nghiên cứu lai tạo giống bò thịt BBB trên nền bò cái lai Sind tạo thành đàn bò F1. Đến thời điểm hiện tại, công ty đã lai tạo và sản xuất được hơn 130.000 con bê lai F1 BBB, mang lại giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng. Việc đưa ứng dụng CNC vào sản xuất giống bò đã làm tăng năng suất của đàn bò thịt lai tạo so với các giống trước đây khoảng 20 – 30%; đồng thời tạo điều kiện phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao, tiến tới xây dựng thương hiệu “Thịt bò Hà Nội”.

Việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi cũng được nhiều trang trại triển khai. Giám đốc Công ty CP Trang trại Bảo Châu (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Đại Thắng chia sẻ: Công ty đang áp dụng phương pháp nuôi lợn hữu cơ theo công nghệ vi sinh hữu hiệu của Nhật Bản, bảo đảm xử lý môi trường trong chăn nuôi 250 lợn nái sinh sản và 3.000 lợn thương phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm thịt lợn đều có hệ thống mã vạch để nhận diện, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hiện, TP Hà Nội có 101 mô hình ứng dụng CNC, giá trị sản phẩm chăn nuôi đạt 45% tổng giá trị chăn nuôi trên địa bàn. Điểm nổi bật trong ứng dụng CNC vào chăn nuôi là tạo ra nguồn giống chất lượng cao, tỷ lệ thụ tinh nhân tạo đạt 80 – 90%. Nhiều trang trại đã sử dụng máng ăn tự động, công nghệ làm hầm biogas, đưa chế phẩm vi sinh vào xử lý môi trường góp phần giảm 80 – 90% mùi hôi của chuồng nuôi, tăng khả năng kháng bệnh cho đàn vật nuôi.

Giải pháp căn cơ

Chỉ ra những hạn chế của chăn nuôi trên địa bàn TP hiện nay, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, đa phần quy mô chăn nuôi còn nhỏ, chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ cao (hơn 60%) nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp khó. Trong khi đó, đầu tư máy móc, công nghệ đòi hỏi nguồn vốn lớn, người chăn nuôi lại thiếu kiến thức khoa học để áp dụng vào thực tiễn.

Để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các cơ sở chăn nuôi đưa CNC vào sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long (xã Tân Ước, huyện Thanh Oai) Nguyễn Trọng Long đề xuất, các cấp, ngành tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư chuồng trại khép kín. Từ thực tế phát triển chăn nuôi tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho hay, huyện sẽ tạo mọi điều kiện về đất đai cho các DN có kế hoạch sử dụng đất từ 3 – 10ha trở lên để xây dựng chuồng trại chăn nuôi, ứng dụng CNC vào sản xuất.

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, ngành chăn nuôi TP phấn đấu đến năm 2025, sản lượng thịt xẻ các loại sẽ đạt 5 – 5,5 triệu tấn; xuất khẩu 15 – 20% sản lượng thịt lợn, 20 – 25% thịt và trứng gia cầm. Ngoài ra, Hà Nội tiếp tục ứng dụng CNC vào sản xuất giống để trở thành trung tâm cung cấp con giống (bò, gia cầm) chất lượng cao cho các địa phương. Cùng với đó, hỗ trợ kinh phí cho người chăn nuôi, DN mua giống gia súc, gia cầm nhập ngoại có năng suất, chất lượng cao; mở các lớp tập huấn kiến thức cho người chăn nuôi sử dụng các trang thiết bị hiện đại từ sản xuất đến giết mổ, chế biến sản phẩm.