Tản Mạn Hồng Treo Gió Ở Cầu Đất, Đà Lạt

  • Biên tập bởi
  • Foodmap ngày 20/06/2023
  • 4868

Đà lạt đã vào thu, từng cơn gió miên man thổi căng tràn khắp các vùng đồi và thung lũng. Những con đường dã quỳ đã bắt đầu vàng rực theo bước chân người len lỏi vào những rẫy cà phê đang chuẩn bị cho những tháng cuối đón chờ mùa thu hoạch. Phía lưng chừng đồi, những bóng cây lêu khêu với những cành khô trụi lá cũng bắt đầu lấm tấm những sắc vàng xen lẫn đỏ. Mùa hồng* cũng đến rồi, những quả hồng đầu tiên đã chuyển đỏ. Và đó cũng chính dấu hiệu mùa chim chóc từ khắp nơi trở về Đà Lạt, ríu rít chuyền cành thưởng thức những quả ngọt đầu tiên kết tinh từ đất lành ban tặng.

Ở xa xa, cách trung tâm Đà Lạt khoảng hai mươi lăm cây số, một thị trấn nhỏ ở độ cao 1600m cũng đang trở nên tất bật. Những người nông dân ở Cầu Đất lại tất tả cho mùa vụ hồng mới trong nỗi mừng lo xen lẫn. Trong thần thoại Hy Lạp, những trái hồng chín được ví như những viên rubi đỏ mộng treo lủng lẳng trên cành, đó là biểu tượng của thứ hoa quả của thần linh. Thế mà có những lúc thứ trái cây ngon lành ấy giá chỉ còn ba, bốn nghìn một kí, người dân bỏ hoang không hái. Một màu đỏ buồn hắt hiu trải khắp thung lũng, sườn đồi. Giữa tiếng chim hót ríu rít, tươi vui là nước mắt người nông dân chan chứa.

hồng treo gió cầu đất

TẢN MẠN HỒNG TREO GIÓ CẦU ĐẤT, ĐÀ LẠT

Cách đây năm, sáu năm trước, một nhóm nông dân Đà Lạt hiền hòa hăm hở sang Nhật để học và nhận chuyển giao công nghệ làm hồng truyền thống của người Nhật từ chương trình hợp tác Việt Nhật do tổ chức Jica tài trợ. Và từ đó tới nay, nghề làm Hồng treo gió bắt đầu, đánh dấu cho một bước chuyển mình mới, làm phong phú và tăng thêm giá trị cho kho tàng đặc sản ngon lành của mảnh đất đặc biệt này.Những trái hồng trứng hay hồng vuông đồng được tuyển chọn kĩ, vì đây là những loại hồng thích hợp nhất, trái vừa đủ độ chín sau đó qua các công đoạn gọt, sấy , treo gió, mát xa và hông gần một tháng mới trở thành món Hồng treo gió ngon tuyệt hảo. Thực kì lạ, những trái hồng vàng ươm căng mộng mới treo lên đôi lúc còn rất chát** nhưng đến khi thành phẩm, vị chát đó mất hẳn thay vào đó là một vị ngọt rất đặc trưng.

Hồng treo gió Đà Lạt

Có lẽ Đà Lạt nói chung và Cầu Đất nói riêng việc làm Hồng treo gió có phần phức tạp và khó khăn hơn so với nhiều nơi khác trên thế giới. Bởi vì Cầu Đất ‘ lên sương mù, xuống mù sương’  và cũng bởi vì những cơn mưa thường xuyên bất chợt làm độ ẩm ở đây luôn rất cao nên việc những mẻ hồng đang gần thu hoạch lại phải đổ bỏ vì nấm mốc là điều thường thấy. Đặc biệt ở các hộ dân làm nhỏ lẻ những nơi không đủ điều kiện để đầu tư nhà màng đảm bảo và điều chỉnh được nhiệt độ, độ ẩm cũng như xử lí mốc trong không khí trong quá trình làm hồng treo gió***.Thế mới biết nghề làm hồng treo gió Cầu Đất không phải dễ dàng gì mà cũng lắm gian truân. Năm, sáu kí tươi mới được một kí Hồng treo gió nếu thuận lợi, còn đôi khi cả mùa cũng không lãi được bao nhiêu. Nhưng thành quả lại là những sản vật tuyệt phẩm làm lay động biết bao nhiêu con người sành ăn.

Hồng treo gió vỏ dai nhưng thật là mềm mại, từng trái hồng co lại màu hổ phách xé ra bên trong ứa từng giọt mật quyến rũ, mang trong mình một vị ngọt thanh cao ăn mãi không biết chán. Vị ngọt đó cứ luyến lưu mãi trong vòng họng, nhẹ nhàng tan chảy như thức tỉnh mọi giác quan. Hồng treo được bảo quản lạnh, để càng lâu màu sắc càng biến chuyển, những lớp phấn trắng bắt đầu xuất hiện đôi lúc nhiều người lầm tưởng là nấm mốc nhưng thực ra đó chính là những lớp phấn đường tự nhiên bên trong trái hồng kết tinh lại rồi hiện lên như lớp áo trắng tinh khôi, thuần khiết. Đối với nhiều người thì đây mới chính là thời điểm ngon nhất của Hồng treo gió.

Hồng treo gió Đà Lạt

Nghề làm Hồng treo gió kì thực đã có lịch sử rất lâu đời, thậm chí cả nghìn năm tuổi. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hay Việt Nam tuy phương pháp làm có sự khác biệt đôi chút do tính chất thổ nhưỡng, điều kiện công nghệ cũng như các giống hồng bản địa khác nhau nhưng tựu chung giống nhau ở điểm đó là Hồng treo gió chính là sản vật tuyệt hảo kết tinh từ đất lành chất chứa bao tình cảm, tâm huyết của những con người làm ra nó.

Hồng treo gió Đà Lạt

Nhấp một ngụm trà, nhâm nhi một trái hồng giữa tiết trời se lạnh khi dịp Tết đến Xuân về, đôi lúc chỉ muốn cảm giác này cứ kéo dài ra thêm mãi.

Tìm hiểu thêm về sản phẩm được đội ngũ Foodmap khảo sát:

Hồng Treo Gió – Túi 250Gram

Hồng Treo Gió – Hộp Đặc Biệt 250Gram

Hồng Treo Gió – Hộp Đặc Biệt 500Gram

Viết bởi: Tùng Phạm từ FOODMAP TEAM

(*) Hồng là cây họ thị lưỡng tính, tiếng Anh là persimmon hay Sharon fruit, tiếng Nhật là kaki (柿) và có nhiều loại. Khoảng tháng năm cây ra hoa rồi kết quả, đến mùa thu thì bắt đầu chín, sắc chuyển sang đỏ dần. Cây hồng có nhiều lợi ích, ở Nhật người ta lấy lá sắc uống thay trà, gỗ thì làm đồ gia dụng, quả thì ăn sống hoặc sấy khô. Quả hồng tươi rất nhiều vitamin A và C.

(**) Quả hồng sống chát là do chứa nhiều chất tannin nên còn được dùng làm thuốc chống mốc. Chất tanin sẽ chuyển thành đường khi quả chín nên quả càng chát thì sẽ càng ngọt về sau.

(***) Do có nhiều nguy cơ bị nấm mốc nên người dân thường rất hay ‘xông’ lưu huỳnh để loại bỏ nấm mốc. Về phương pháp làm thì không có gì sai vì ở Nhật quy trình làm vẫn có thể xông lưu huỳnh hữu cơ để diệt nấm mốc, đây cũng là cách làm phổ biến để lưu trữ các loại dược liệu và thảo mộc trên thế giới với liều lượng cho phép ( Lưu huỳnh hữu cơ vẫn nằm trong danh mục các chất trong tiêu chuẩn Organic USDA của Mỹ cho phép với liều lượng hợp lí ) nhưng thực tế nhiều người lạm dụng quá mức và thậm chí dùng lưu huỳnh vô cơ. Đây là điều có thật và cũng là sự việc đáng buồn.

 

 

TOP