Kiến trúc sư 9x rời phố về quê nuôi tôm và Thương hiệu Con Tôm Rừng

  • Biên tập bởi
  • Foodmap ngày 07/09/2023
  • 4528

Kiến trúc sư 9x rời phố về quê nuôi tôm

Phạm Xuân Thành (31 tuổi) không hối tiếc bỏ nghề kiến trúc sư theo đuổi ước mơ đưa đặc sản quê hương đến người dùng thành thị.

Cầm hai túi bánh phồng tôm rừng đóng gói chỉnh chu với bao bì khoét hình con tôm ở giữa, Phạm Xuân Thành (31 tuổi) mân mê, kiểm tra từng góc hộp đến đường viền túi nhựa trong rồi đặt lại lên kệ hàng đồ khô trong siêu thị. Đây là thói quen của anh suốt 6 năm qua mỗi khi vô tình bắt gặp các sản phẩm của thương hiệu Con Tôm Rừng do chính anh thành lập. “Dù là 6 năm trước, hiện tại hay 6 năm kế tiếp, tôi nghĩ mình không bỏ được tật săm soi bao bì sản phẩm mình bán”, Xuân Thành nói.

Chàng founder 9x cho biết dù đã qua đến năm thứ 6 kinh doanh tôm rừng Cà Mau cả tươi lẫn sấy khô, anh vẫn ngỡ ngày đặt bút ký lên tờ đơn xin nghỉ việc tại văn phòng kiến trúc sư quy hoạch đô thị chỉ mới hôm qua. Lúc biết anh bỏ việc để khởi nghiệp, nhiều người nói anh “điên rồ”, thậm chí đánh giá anh bốc đồng, viển vông khi bỏ nghề từng là ước mơ từ những năm cấp 3, về Cà Mau nuôi tôm, bán bánh phồng.

Sau 6 năm “rời phố về quê” khởi nghiệp, Xuân Thành có cơ hội gắn bó nhiều hơn với gia đình, địa phương. Một trong những động lực thúc đẩy anh đến với ý tưởng đột ngột này là được kết nối nhiều hơn với nơi mình sinh ra và lớn lên. Bản thân các thành viên trong gia đình cũng đóng vai trò quan trọng, là nguồn động lực giúp Xuân Thành vững bước trên con đường khởi nghiệp. Trải qua 6 năm khởi nghiệp, chàng founder 9x vẫn đang tiến bước mỗi ngày để chạm đến những mục tiêu to lớn hơn trong đời và cho biết cảm thấy “sống đầy” những năm tháng tuổi trẻ.

Đột ngột nhưng không cảm tính

5-6 năm về trước, nghe đến câu “bỏ phố về quê” khởi nghiệp, trồng rau, nuôi cá, nhiều người cho rằng các nhà khởi nghiệp trẻ đang tạm chán cuộc sống tấp nập nơi phố thị; hoặc đơn giản họ muốn chứng minh bản thân, thể hiện cá tính. Với Xuân Thành, người từ bỏ nghề kiến trúc sư với thu nhập ổn định, con đường thăng tiến rõ ràng, khởi nghiệp với đặc sản tôm rừng quê nhà lại hàm chứa ý nghĩa to lớn hơn nhiều.

Đầu năm 2016, Xuân Thành vẫn đang là một kiến trúc sư sống và làm việc tại TP HCM. Từ lúc học cấp 3, anh vẫn luôn nghĩ sẽ học tập và gắn bó với nghề quy hoạch đô thị và các bản vẽ xây nhà đến cuối đời. Điều anh không ngờ đến là chỉ sau vài tháng, ý tưởng khởi nghiệp với món đặc sản quê hương Cà Mau lại ùa đến chỉ trong tích tắc.

Thành kể, sáng hôm ra quyết định nghỉ việc là một ngày gần cuối năm với nắng đẹp, trời trong, không khí hơi se lạnh. Anh không gặp khó khăn trong công việc, cũng không vướng mắc vấn đề gì với đồng nghiệp, cấp trên. Ý muốn mong mỏi nhất lúc đó của Thành là thay đổi bản thân, tái tạo năng lượng để đời sống tinh thần lẫn cảm xúc tích cực hơn. Nhưng đồng thời, anh cũng xác định phải thật lý trí khi đưa ra lựa chọn. Công việc đó ngoài cung cấp nguồn thu nhập ổn định cho bản thân, Thành còn muốn phải mang lại giá trị thặng dư cho xã hội, giúp được bà con ở quê nhà, tạo sinh kế cho họ.

Phạm Xuân Thành không ngại bước ra khỏi vòng an toàn với công việc và thu nhập ổn định để chinh phục những mục tiêu to lớn hơn. Ảnh: NVCC

Phạm Xuân Thành không ngại bước ra khỏi vòng an toàn với công việc và thu nhập ổn định để chinh phục những mục tiêu to lớn hơn. Ảnh: NVCC

Lúc mới nghỉ việc, chàng kiến trúc sư vẫn chưa nghĩ ra mình phải làm gì tiếp theo để hiện thực hóa ý tưởng “điên rồ” này. Sau một ngày suy nghĩ, Thành quyết định thử sức khởi nghiệp nuôi tôm rừng Cà Mau, đưa đặc sản này đến với người dùng thành thị.

“Thời điểm 2016, thực phẩm sạch, hữu cơ rộ lên khiến tôi nghĩ đến sẽ thử kinh doanh mặt hàng này đầu tiên. Nhà có truyền thống làm nông, lại có sẵn lợi thế rừng ngập mặn ở quê, tôi chọn thử vận may với tôm rừng Cà Mau. Nói thử vận nhưng tôi không đưa ra bất cứ quyết định cảm tính nào. Mọi quyết định đều được tôi lên kế hoạch kỹ lưỡng và tham khảo nhiều lần từ bạn bè, người thân”, Thành cho biết.

Ban đầu Xuân Thành thử bán online qua Facebook. Kết quả khả quan nhưng chưa đủ hài lòng, anh tìm đến các cửa hàng thực phẩm, tạp hóa để bỏ hàng sỉ, lẻ tùy nhu cầu. Lần đầu Thành làm quen với việc tự tiếp thị sản phẩm, nộp đơn xin giấy phép kinh doanh, gửi sản phẩm đến Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm xin chứng nhận… Sau một tháng tất bật với giấy tờ, thương hiêu Con Tôm Rừng chính thức ra mắt thị trường.

Đến nay, phản hồi của các đơn vị phân phối và người dùng với các sản phẩm tôm đông lạnh, tôm khô, bánh phồng tôm, mắm tôm chua… của Con Tôm Rừng đều tích cực. Hầu hết khen tôm tươi, ngọt, vị khác biệt với tôm công nghiệp.

Ngoài ra, việc nuôi tôm dưới những tán rừng xanh ngập mặn của Xuân Thành cũng được địa phương và cộng đồng ủng hộ. Không chỉ giúp tạo việc làm cho dân địa phương, giống tôm rừng anh nuôi còn tận dụng hiệu quả nguồn phi sinh vật và các khoáng chất sẵn có trong rừng ngập mặn làm nguồn thức ăn tự nhiên. Nhờ đó, rừng được bảo tồn do không dùng các chất hóa học, ngược lại còn mang lợi ích cho người dân sinh sống lân cận.

Xuân Thành trải tôm phơi nắng trong nhà lồng ở Cà Mau, chuẩn bị cho mẻ chế biến mới. Ảnh: NVCC

Xuân Thành trải tôm phơi nắng trong nhà lồng ở Cà Mau, chuẩn bị cho mẻ chế biến mới. Ảnh: NVCC

Kiến thức là cốt lõi thành công

Nhiều người lúc mới nghe “rời phố về quê” nuôi tôm lầm tưởng Thành sẽ ở hẳn dưới Cà Mau. Thành đính chính, anh chỉ tạm rời TP HCM về quê khảo sát, cùng người thân lên kế hoạch và bắt đầu thả nuôi, trải lưới ngay trong khuôn viên rừng ngập mặn của nhà mình. Sau khi việc nuôi tôm đã đâu vào đó, chàng founder quay lại TP HCM, tiếp tục xây chiến lược kinh doanh.

Nhờ ý tưởng khởi nghiệp, Xuân Thành cho biết thấy hạnh phúc, vui hơn khi có cơ hội kết nối với quê hương Cà Mau, gần gũi gia đình và nhất là có thể giúp đưa sản phẩm địa phương đến gần hơn với người dùng tại các tỉnh, thành trên cả nước. 9x tự nhận thấy mình chưa có nền tảng kiến thức về kinh doanh. Với quy mô nhỏ, Thành có thể “tự bơi”. Nhưng nếu tham vọng mở rộng ra cung cấp cho các chuỗi siêu thị lớn trên thị trường, anh cần kiến thức chuyên môn vững chắc.

“Tôi luôn quan niệm dù làm nghề gì, khởi nghiệp ngành nghề chi, trước tiên cần hoàn thành việc học. Học tập đến nơi đến chốn rồi mới nghĩ đến thực hiện ước mơ. Tại thời điểm khởi nghiệp, tôi vẫn đang miệt mài học thêm lớp kiến thức, lên kế hoạch, chiến lược kinh doanh… mỗi tối. Đến nay, tôi vẫn duy trì việc học thêm để trau dồi kiến thức, bổ sung và hoàn thiện những kỹ năng còn thiếu để việc kinh doanh ngày càng vững chắc, mở rộng”, chàng founder 31 tuổi cho hay.

Tự chịu trách nhiệm cho mọi quyết định trong đời

Nhìn lại quãng thời gian 10 năm tìm tòi, học tập, trở thành kiến trúc sư rồi từ bỏ để chuyển hướng kinh doanh, Xuân Thành cho biết không hối tiếc. Ngược lại, anh thấy biết ơn vì nhờ đó mà có thêm nhiều trải nghiệm thú vị, đáng nhớ. Trong đó có cả những mối quan hệ thầy trò, bạn bè Thành trân quý. Họ cũng là những người đã luôn đồng hành, giúp đỡ anh rất nhiều trên hành trình khởi nghiệp.

Nhiều người nói Thành mạo hiểm. Gia đình lúc mới biết cũng không hài lòng với quyết định này của anh. Song chàng founder 9x thấy may mắn vì lúc đó đã kiên định tới cùng. Thành cho rằng không riêng bản thân mà với bất kỳ ai, khởi nghiệp đột ngột không phải ý tưởng điên rồ. Tuy nhiên mỗi người cần biết mình đang ở đâu và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho mọi lựa chọn của bản thân.

Khi chuyển sang kinh doanh, Xuân Thành đặt mục tiêu trong năm đầu tiên phải dựng được nền móng thương hiệu. Nếu không thành công, anh sẽ tìm hướng khác. Ở mỗi giai đoạn, anh đều giới hạn thời gian triển khai trong 1-2 năm. Rủi ro thất bại luôn có, nhưng Thành tâm niệm “chỉ cần bản thân dám làm, dám chịu, sẽ thấy được cơ hội ở khắp nơi”.

Tôm khô của Con Tôm Rừng là một trong những thành phẩm Xuân Thành tâm đắc, hiện phân phối tại các kênh bán online lẫn truyền thống. Ảnh: Maybe.vn

Tôm khô của Con Tôm Rừng là một trong những thành phẩm Xuân Thành tâm đắc, hiện phân phối tại các kênh bán online lẫn truyền thống. Ảnh: Maybe.vn

May mắn là qua 6 năm “thử” kinh doanh, Xuân Thành đã gặt hái được những quả ngọt đầu tiên. Tôm rừng tươi và các chế phẩm từ giống tôm này hiện đã có mặt tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm lớn như Annam Gourmet, lên sàn thương mại điện tử Shopee, Foodmap…

Anh cũng chứng minh được với người thân, bạn bè rằng quyết định khởi nghiệp không hề bồng bột. Những gì Con Tôm Rừng đạt được đến hiện tại không chỉ là thành quả cá nhân mà có cả mồ hôi, công sức của gia đình và người dân địa phương đã luôn tin tưởng, ủng hộ từ những ngày đầu mới thành lập thương hiệu.

Với những bạn trẻ có ý định “bỏ phố về quê” hay khởi nghiệp ở một lĩnh vực hoàn toàn mới, Xuân Thành cho biết anh không có bất cứ lời khuyên nào vì trường hợp, hoàn cảnh và khả năng mỗi người là khác nhau. “Lời khuyên cũng cần đưa đúng người, đúng nơi, đúng chỗ. Có thể nó hợp với tôi, và tôi áp dụng nó thành công. Nhưng chưa chắc những trải nghiệm, ý tưởng tôi có là thứ bạn cần”, founder 9x chia sẻ.

Anh cho rằng mỗi người trước khi ra bất cứ quyết định nào, nhất là khởi nghiệp hay chuyển hướng công việc, cần chuẩn bị tâm thế sẽ đón nhận những ý kiến trái chiều từ gia đình, bạn bè, xã hội. Quan trọng là phải học cách chịu trách nhiệm cho hành động của bản thân, biết khả năng mình tới đâu, lên kế hoạch kỹ lưỡng và không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn.

Nguồn: Vnexpress.net

TOP