Chuyện Hài Hước Về Nguồn Gốc Cái Tên “Sầu Riêng” Ở Xứ Ta

  • Biên tập bởi
  • Foodmap ngày 15/08/2023
  • 4352

Một người ngoại quốc tới Nam Việt từ đầu thế kỷ thứ XIX kể chuyện trong tập ký ức của ông là đời ông đã phải một mẻ khiếp sợ, ấy là ông đã bị bắt buộc ăn trái sầu riêng, nhưng ông cũng thú rằng hết sợ rồi quen và hết quen thành ra mắc nghiện. Ấy là nghiện ăn trái sầu riêng.

Năm ấy ông mới bước chân tới Sài Gòn còn gọi là Tây Cống, thì được mời tới dự tiệc tại dinh một vị đường quan. Vì xã giao ông phải tới, và muốn biết phong tục của xứ ta, ông lấy làm sung sướng mà tới. Người Trung Hoa cho ông trọ đã rỉ tai cho ông tường qua về xã giao của ta thế nào và khuyên ông phải ăn hết thảy những món ăn nào mà chủ nhân mời mình. Người ta mời mà mình từ chối, ấy là khách khinh chủ đấy.

Ông khách ngoại quốc sau khi y phục chỉnh tề, nhảy lên xe ngựa tới dinh dự tiệc. Thôi không thiếu một sơn hào hải vị nào, toàn những thức ăn mà ông chưa từng được thấy ở nước nhà bao giờ, chủ mời ông ăn món gì, ông đều không từ chối. Mà món gì cũng ngon thật, vì nó lạ miệng. Đến khi tráng miệng ông thấy gia nhân mang ra một dĩa lớn trên bày một thứ gì màu vàng nhợt, to bằng hột gà. Chưa để lên bàn ông đã ngửi thoảng thấy mùi giống như trứng hư hệt như phó-mát “ca-măm-be” của người Âu châu.

Một điều lạ khiến ông chú ý là sau khi các dĩa kia đã bày ở trước mặt quan khách thì gia nhân lại đặt ở giữa bàn một cái đỉnh đồng nhỏ trong đốt trầm và hương khói tỏa lên nghi ngút. Mùi trầm hướng đánh át hẳn mùi dĩa thức ăn tráng miệng kia. Chủ nhà trịnh trọng đứng lên mời khách chiếu cố xơi đồ tráng miệng. Ông khách ngoại quốc đưa mắt nhìn xem bạn đồng bàn ăn uống ra sao. Người ta làm gì ông cũng làm vậy. Ông thấy người ta thò năm đầu ngón tay vào cái bát bằng bạc đựng chút xíu nước, trên thả vài lá chanh rồi rửa năm đầu ngón tay để lấy đồ tráng miệng. Ông khách phương xa theo xã giao cùng thò tay dón lấy một miếng, cầm hơi rồi cho vào miệng. Mùi trầm thơm tho át cả mùi rượu, mùi thực phẩm. Ông nhai để nuốt. Nhưng chao ôi!

Ông thấy nó làm sao ấy. Trong miệng ông có một thứ ăn nhun nhũn, mềm mềm và cái mùi nó mấy lạ làm sao. Không ra mùi thịt ôi, chẳng giống mùi phó-mát, nó là một mùi khó tả. Đã cho vào miệng, ông nhai rõ nhanh rồi nín hơi lấy sức nuốt, nhưng ông càng cố gắng nuốt thì lương trí ông không cho, có cái gì nó giữ món ăn mới lạ ở cổ ông. Vẫn cầm hơi, ông ráng sức một lần nữa, đem hết sức bình sinh mà nuốt, mồ hôi toát ra ở trên trán. Thế rồi may mắn cho ông lúc khó khăn ấy, chủ nhân đến trước mặt ông, trịnh trọng hỏi ông ăn phẩm vật có ngon không. Để có thể trả lời, ông nuốt đến ực một cái, thế là cái của nợ ấy, từ mồm ông đã chui tọt vào bao tử ông rồi, khiến ông tươi tỉnh đáp lại lời chủ nhân: “Thưa ngài món ăn này thật là ngon, tôi chưa từng được thưởng thức bao giờ.”

Thấy khách nói vậy, chủ nhân theo lối Á Đông nhất định chiều quý khách, đến gần khẩn khoản mời ông cùng ăn nữa…

(Tranh trong “Văn hóa nguyệt san” số 7, tháng 10-11/1955)

Mồ hôi trán ông lại đổ ra, nghĩ đến phải ăn nữa, quả tim ông đập như trống đánh, hai tai ông ù lên, mắt ông hoa cả đi. Để khách không từ chối, chủ nhân trịnh trọng lấy một miếng để ăn và miệng mời khách. Ông khách của chúng ta thật khó nghĩ, không biết ăn làm sao nói làm sao. Thôi đành:

Cũng liều nhắm mắt đưa chân
Để xem con tạo xoay vần ra sao?

Thế rồi như một cái máy, với một bộ mặt vui vẻ, ông thò tay lấy một miếng rồi đồng thời với chủ nhân, ông tươi cười cho vào miệng, để tươi tỉnh nhai rồi tươi tỉnh nuốt. Hết miếng này đến miếng khác, chủ và khách “xơi” hết cả đĩa! Ăn xong, mồ hôi ông khách ra ướt hết cả áo lót mình, như thể tắm dưới sông. Chủ gọi lấy nước chè tàu nóng rồi cùng khách uống và đàm thoại. Ông lấy làm lạ là sau khi uống nước chè tàu, ông thấy vị chè với vị trái cây kia hòa hợp với nhau tạo thành một hương vị đặc biệt, nó thoảng thơm ở trong miệng ông mãi và nó không ghê sợ, không lợm giọng như lúc đầu ông ăn. Ông hỏi chuyện chủ nhân về cái trái gì mà ngon vậy.

Chủ nhân cho mang ra một trái to bằng đầu người, vỏ xù xì mà ông gọi là “trái mít gai”, vì vị nó giống vị mít, hình nó giống hình trái mít. Khách là một nhà bác học chuyên về thảo mộc; ông đã chu du thiên hạ, tham dự nhiều đoàn thám hiểm nghiên cứu về cây cối năm châu. Trông thấy trái này, ông nhận ngay là một trái cây mà ông đã thấy mọc ở Mã Lai và thổ dân vẫn lấy để tế thần rồi mấy ăn. Chủ nhân hỏi khách có biết tên trái này là gì không? Nhớ đến tên mà thổ dân Mã Lai đã bảo ông, ông nói, với giọng người ngoại quốc mới học tiếng Việt:

Trái này là trái Dâu-riăng của người Mã Lai.

Chủ nhân và mọi người đều nhắc lại cái tên là lạ Dâu-riăng ấy. Rồi sau bữa tiệc “vô tiền khoáng hậu” ấy đối với nhà khoa học ngoại quốc kia, tiếng Dâu-riăng được truyền khẩu, một đồn mười, mười đồn trăm, trăm đồn nghìn, nó đến chợ, nó qua mồm các người nông dân, và tới đầu thế kỷ hai mươi, cái tên thực thụ Mã Lai của trái ấy là Doerian hay Durian, qua một nhà thảo mộc học nói tiếng Việt thành ra Dâu-riăng rồi qua bao nhiêu năm nay đã có cái tên ngộ nghĩnh là Sầu Riêng.

Trái Sầu Riêng thuộc về loại cây bông (gòn) họ man-vát-sê và tên khoa học là Durio zibethinus, trong có nhiều chất bổ như bột (11%), đường ngọt (16%), đạm chất (7%), dầu béo (3%), khoáng chất (1%), và sinh tố A nữa.

Như vậy ăn trái Sầu Riêng kể ra rất bổ tuy cái vị nó bùi, nhưng mùi nó lạ lùng khiến cho ai đã quen thì ưa, và đã ưa đâm ra nghiện. Còn những ai chưa quen thì cho cái mùi ấy nó mạnh làm sao, nó khó ngửi làm sao, và ai có ăn trái ấy là theo “nhân tâm tùy thích”. Xin giữ lấy mùi ấy cho mình nếu muốn thưởng thức lấy toàn hương vị của nó thì phải biết uống nước chè tàu, phải biết ngâm thơ, và phải có nghị lực, theo như câu hát nơi đồng ruộng vùng Lai Thiêu thuộc tỉnh Thủ Đầu Một là nơi sản xuất ra nhiều Sầu Riêng:

Trái chi hương vị lạ đời,
Sầu Riêng ấy trái dễ mời khó ăn.

Nguyễn Công Huân

Bài viết “Lịch sử trái sầu riêng” đăng trên “Văn hóa nguyệt san” số 7, tháng 10-11/1955

FoodMap Team sưu tầm

TOP