Kiến vàng - Bạn của nhà nông

  • Biên tập bởi
  • Foodmap ngày 10/08/2023
  • 2191

Đã có 12 bản báo cáo tham luận đưa ra những phương pháp xoay quanh việc sản xuất trái cây an toàn, đạt chất lượng cao tại hội thảo: “Ứng dụng các biện pháp tiên tiến để sản xuất trái cây an toàn” do ban chỉ đạo Chương trình phát triển rau, hoa, quả của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hiệp hội trái cây Việt Nam, Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tổ chức. Tuy nhiên, phần lớn các phương pháp đưa ra vẫn chưa đạt được tính trọn vẹn để các nhà làm vườn có thể an tâm áp dụng. Do đó vấn đề được đặt ra: Phương pháp nào trong số hàng loạt các phương pháp trên có tính hiệu quả cao, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay để hướng các nhà vườn đi vào ứng dụng.

Khi con kiến vàng “lên tiếng”

Nếu như phương pháp “ứng dụng phân bón hữu cơ sinh học và bao trái mùa mưa trong sản xuất trái cây an toàn” của tiến sĩ (TS) Nguyễn Đăng Nghĩa (Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam) được nhiều nhà vườn quan tâm, nhưng vẫn còn một chút đắn đo do loại bao: nilon, giấy dầu… không thể sử dụng được vào mùa mưa mà phải sử dụng bao Đài Loan có phần hơi tốn kém, thì phương pháp sử dụng kiến vàng trên cây có múi của giáo sư tiến sĩ (GS.TS) Nguyễn Thị Thu Cúc (Đại học Cần Thơ) đã có thể làm an tâm được những nhà vườn khó tính nhất.

cam-kien-vang

Ông Nguyễn Văn Diệu, một nhà vườn ở xã Đông Hưng, huyện Châu Thành (Tiền Giang), với kinh nghiệm 20 năm thả kiến vàng, cho biết: “Khi sử dụng kiến vàng, tôi không sử dụng đạm, lân hay phun thuốc trừ sâu gì cả nhưng cây vẫn cho ra trái rất nhiều, không hề có sâu vẽ bùa, rệp sáp, nhệnh gây hại… Tuy nhiên, lúc đó tôi chưa dám nói là sử dụng kiến vàng có hiệu quả hơn so với những loại khác hay không. Nhưng sau một thời gian âm thầm theo dõi, bây giờ tôi có thể mạnh miệng nói ra rằng, sử dụng kiến vàng số lượng, chất lượng trái cây cao hơn hẳn, và tôi đã đúc kết cho mình một câu: “Con kiến vàng là bạn của nhà nông”.

Không những kiến vàng sử dụng có hiệu quả trên cây ăn trái, mà còn rất hiệu quả trong việc trừ sâu ăn lá dâu hiện đang được áp dụng ở các hộ trồng dâu tại Thuận An (Bình Dương). Ông Nguyễn Văn Bá (Trạm bảo vệ thực vật huyện Thuận An) cho biết: “Trong suốt 14 tuần theo dõi nuôi thả kiến vàng có hai đợt sâu phát triển nhưng mức độ gây hại nhẹ, không cần can thiệp bằng thuốc bảo vệ thực vật. Điều đó chứng tỏ khi có sự hiện diện của kiến vàng trên cây, sâu gây hại ở mức cho phép, không gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây (do mật độ sâu giảm từ 90 đến 95%).

Đây là phương pháp được áp dụng từ rất lâu trong các nhà vườn nhưng vì những lý do khác nhau mà hiện nay số lượng các nhà vườn sử dụng phương pháp này đã giảm đi đáng kể. Theo GS. TS Nguyễn Thị Thu Cúc, vào đầu thập niên 1990, phần lớn các nhà vườn trồng cam, quýt ở các tỉnh ĐBSCL đều sử dụng kiến vàng, nhiều hộ nông dân có kinh nghiệm tốt trong việc nuôi và phát triển kiến vàng như cung cấp thức ăn, tạo nơi cho kiến làm tổ, di chuyển từ cây này sang cây khác và các biện pháp giúp kiến tồn tại trước sự tấn công của kiến hôi Dolichodorus thoracius, một loại côn trùng làm cho trái bị chai, sượng…

cam-kien-vang

Thế nhưng, vào những năm gần đây, nhiều nhà vườn cho rằng sử dụng kiến trong vườn sẽ gây khó khăn cho việc chăm sóc và thu hoạch. GS.TS Nguyễn Thị Thu Cúc cho biết, đây chỉ là do tâm lý sợ kiến cắn của nhiều người mà thôi chứ việc chăm sóc kiến vàng, các vấn đề gây ra do kiến cắn là không đáng kể, bởi kiến vàng cắn không có gì độc hại, nếu bị cắn một vài lần thì sau đó sẽ cảm thấy rất bình thường.

Để minh chứng cho hiệu quả của kiến vàng, GS.TS Nguyễn Thị Thu Cúc đã đưa ra một so sánh rất cụ thể được thí nghiệm trước đó giữa cây có sử dụng kiến vàng và cây không sử dụng kiến vàng. Bà cho biết: “Trái quýt trên cây có kiến vàng bóng hơn, độ ngọt cũng cao hơn. Trên cây cam mật, cây bưởi, đó là sự khác biệt về độ mọng nước trên cây có kiến cao hơn. Đặc biệt về dáng vẻ bên ngoài, cam, quýt, bưởi… khi có kiến vàng đều đẹp hơn”.

… Và kiến vàng rất thích ứng ở đồng bằng sông Cửu Long

Kiến Vàng (Oecophylla Smaragdina) là một loại côn trùng hiện diện thường xuyên trong các vườn cây ăn trái như: Mận, xoài, mãng cầu, chôm chôm… đã có từ lâu đời. “Các tỉnh ĐBSCL là nơi rất thuận lợi cho việc sử dụng kiến vàng do nguồn kiến có sẵn trong tự nhiên cả mùa nắng lẫn mùa mưa, có khả năng săn mồi, mật độ và khả năng sinh sản rất cao. Mặt khác các nhà vườn ở ĐBSCL đã có nhiều kinh nghiệm sử dụng kiến vàng, gây dựng, phát triển kiến vàng trên các vườn cam, quýt” – GS.TS Nguyễn Thị Thu Cúc khẳng định.

Theo kết quả điều tra tại ba tỉnh Cần Thơ, Đồng Tháp, Tiền Giang vào năm 2004 cho biết, kiến vàng đã phát triển một cách dễ dàng trên các vườn cam, quýt hoặc trên rất nhiều loại cây trồng khác hiện diện trong vườn trong điều kiện canh tác của vùng ĐBSCL. Ngoài ra, kiến vàng còn có thể làm tổ dễ dàng trên rất nhiều loại cây hàng niên khác như gòn, quao, bình bát, sắn, mãng cầu ta, ca-cao, cà-phê, lêkima, vú sữa, dâu, măng cụt, chôm chôm… và một số loại cây kiểng như: nguyệt quế, tắc, bông bụp… Trong mùa phân đàn, kiến vàng còn làm tổ cả trên cây chuối và cây bàng vào giai đoạn bàng ra lá non và bông.

cam-kien-vang1

Theo ông Hồ Văn Chiến, Giám đốc Chi cục Bảo vệ thực vật phía Nam: “Mặc dù kiến vàng có thể định cư, làm tổ trên nhiều loại cây khác nhau (khi cây không bị khuấy động, không bị phun thuốc và chưa có kiến hôi định cư), nhưng kiến vàng thích làm tổ và phát triển, sống ổn định quanh năm trên những cây không bị rụng lá hàng loạt và thường xuyên có sự hiện diện của những loại rầy tiết mật ngọt”.

Cũng theo kết quả điều tra trên 166 vườn cam, quýt tại ba tỉnh nói trên thì sự hiện diện của kiến vàng là 78,9%, chỉ có 21% vườn là không có kiến vàng. Điều đặc biệt, cò nhiều vườn không được chăm sóc nhưng con kiến vàng vẫn hiện diện, những vườn này cũng chiếm một tỷ lệ khá cao, gần 40%.

Hiện nay, ba kiểu vườn cây ăn trái ở ĐBSCL: độc canh, xen canh, vườn tạp cũng đều có sự hiện diện của kiến vàng. Có một điều khá thú vị mà bà Cúc cho biết, hầu hết các vườn độc canh (cam hoặc quýt), hoặc trồng xen cam, quýt ở ĐBSCL có kiến vàng hiện diện đều có trồng mận, xoài, cóc, bình bát ở các bờ mương ven vườn.

Chính vì thế bà Cúc đưa ra lời khuyên: Để tạo điều kiện lý tưởng cho kiến vàng định cư và phát triển lâu dài trên cây có múi, các nhà vườn nên sử dụng cây bình bát trồng chung quanh vườn, và bổ sung một ít cây xoài hay cóc phía trong vườn. Một lần nữa chúng ta khẳng định rằng, điều kiện canh tác cam, quýt ở những vùng thuộc ĐBSCL rất thích hợp cho sự phát triển của kiến vàng.

cam-kien-vang-1

Tuy nhiên, để kiến vàng có điều kiện phát triển tốt việc trồng xen một số loại cây mà kiến ưa thích làm tổ, hạn chế sử dụng thuốc phòng trừ dịch hại là điều kiện tiên quyết cho kiến vàng phát triển. Khi đó, các nhà vườn có thể an tâm về sự phát triển một cách bền vững, lâu dài của kiến vàng trên vườn cây ăn trái của mình.

Bạn có thể mua những loại trái cây của Nhãn Hiệu Kiến Vàng tại FoodMap nhé, đây là những loại trái cây được canh tác theo hướng thiên dịch, mà cụ thể dùng kiến vàng để tiêu diệt các loại sâu bọ gây hại, hạn chế sử dụng thuốc hoá học, bảo vệ hệ sinh thái.

Xem thêm Cam Kiến Vàng tại đây nhé :

https://foodmap.asia/product/cam-kien-vang-vinh-long-mong-nuoc-huong-huu-co-1kg

 

TOP