Cơ hội xuất khẩu nông sản hữu cơ

  • Biên tập bởi
  • Foodmap ngày 15/08/2023
  • 4683

Nhiều tiềm năng

Chị Hoàng Thị Tâm ở Hoàng Hoa Thám (Hà Nội) chia sẻ: “Mấy năm gần đây, tôi luôn “đau đầu” về vấn đề lựa chọn thực phẩm sạch vì gia đình có cả người già và trẻ nhỏ rất “mẫn cảm” với thực phẩm. Từ khi có một số doanh nghiệp lớn giới thiệu sản phẩm thực phẩm hữu cơ (TPHC), tôi đã tìm mua và sử dụng thường xuyên để bảo đảm an toàn sức khỏe cho các thành viên trong gia đình”.

Theo chị Tâm, nhu cầu sử dụng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng cao. Tuy nhiên, để sản xuất được TPHC lại đòi hỏi rất khắt khe, từ đất, nước, không khí, vùng cách ly, quy trình sản xuất… đều phải tuân thủ đúng quy định. Tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, nên sản lượng TPHC ở Việt Nam hiện cũng còn rất “khiêm tốn”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), diện tích canh tác, nuôi trồng TPHC của nước ta mới đạt khoảng 76.000 ha, tập trung chủ yếu tại các tỉnh như Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Lâm Ðồng… Hiện mới chỉ có 30/63 tỉnh, thành phố triển khai sản xuất TPHC và theo hướng hữu cơ, với 59 cơ sở sản xuất.

TPHC hữu cơ (Organic Food) là vấn đề nhiều người rất quan tâm và được thảo luận từ lâu. Mươi năm trước, loại thực phẩm này chưa phổ biến và thường chỉ được bán ở các cửa hàng Health Food. Khoảng ba năm trở lại đây thì TPHC đã dần quen với người tiêu dùng. Không chỉ Việt Nam, mà trên thế giới ngành sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng còn rất nhiều tiềm năng phát triển.

Giá trị xuất khẩu cao

Đánh giá về TPHC, đại diện Bộ Công thương cho rằng, xu thế tiêu dùng thực phẩm ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng, nên sự tồn tại và phát triển những thực phẩm “cao cấp” hữu cơ sẽ là xu thế tất yếu. Thực tế, sản lượng TPHC của Việt Nam và thế giới còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Sản xuất TPHC cũng đem lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân; yên tâm về đầu ra bởi hoàn toàn có thể bán trong nước và phục vụ nhu cầu xuất khẩu…

Nước ta có rất nhiều lợi thế trong sản xuất TPHC. Một số ý kiến cho rằng, nếu sản xuất TPHC bài bản theo chuỗi, có sự tham gia của các doanh nghiệp lớn thì có thể đem lại giá trị xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm.

Hằng năm, trong các chương trình xúc tiến thương mại của Việt Nam, các sản phẩm nông nghiệp nói chung và TPHC nói riêng của nước ta khi giới thiệu ở các nước cũng được đánh giá rất cao. Theo ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ (NNHC) Việt Nam, nhu cầu của Việt Nam và cả thế giới đối với các sản phẩm NNHC là rất lớn. Tuy nhiên, để phát triển ngành NNHC, phải có hệ thống văn bản pháp lý canh tác hữu cơ và phải gắn với quá trình thực thi pháp luật. Hệ thống sản xuất phải phù hợp trình độ hiểu biết của người nông dân để họ có thể áp dụng được, đồng thời phải phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ tại các nước mà Việt Nam muốn xuất khẩu như Mỹ, các nước châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Như vậy mới có được hạn ngạch xuất khẩu cho sản phẩm NNHC của Việt Nam sang “trời tây”.

Nói về khó khăn khi tiếp cận thị trường TPHC, ông Trần Mạnh Chiến, Giám đốc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm tại Hà Nội cho rằng, hiện nay, chi phí để các tổ chức nước ngoài cấp chứng nhận sản phẩm hữu cơ rất cao, khoảng 5.000 USD/năm đối với 1 ha. Nếu áp dụng các tiêu chuẩn của các tổ chức cấp chứng nhận nước ngoài vào Việt Nam thì giá thành sản phẩm NNHC sẽ tăng lên quá cao, trong khi áp dụng các tiêu chuẩn của các tổ chức tại Việt Nam thì chưa được công nhận.

Theo Hiệp hội NNHC Việt Nam, để “chớp” thời cơ đối với ngành sản xuất NNHC, Việt Nam cần sớm hoàn thiện hệ thống chính sách tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát liên quan NNHC; giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng các sản phẩm đã có chứng nhận và đạt tiêu chuẩn. Ðặc biệt, các chứng nhận của Việt Nam cũng phải theo tiêu chuẩn của thế giới và được các nước thừa nhận thì mới có giá trị đối với các đơn vị được cấp chứng nhận. Nếu không, dù được chứng nhận thì sản phẩm NNHC của nông dân và doanh nghiệp làm ra cũng không thể xuất khẩu được.

Thực tế cho thấy, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành các văn bản hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ, áp dụng cho sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa hình thành hệ thống các tổ chức chứng nhận sự phù hợp cho nông sản hữu cơ, cũng như chưa có sự thừa nhận của các tổ chức quốc tế.

TOP