CAM SƠN NỮ HÀM YÊN

CÔ GÁI TÀY MANG CÂU CHUYỆN CAM HÀM YÊN ĐI KHẮP VIỆT NAM

Cam Hàm Yên đặc sản Tuyên Quang nổi tiếng trứ danh. Những trái cam được bà con nông dân người dân tộc Tày nâng niu, chăm sóc chỉ được thu hoạch một mùa khoảng 3 tháng trong năm. Trái cam được trải qua 4 mùa xuân, hạ, thu, đông, hấp thụ tinh hoa núi rừng cho vị ngọt đậm đà, hài hòa giữa vị ngọt- chua, có hậu vị sâu, và giá trị dinh dưỡng cao.

Lội ngược dòng

Trong khuôn viên Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao diễn ra tại An Giang vào giữa tháng 3 vừa qua, khách tham quan bị cuốn hút bởi cô gái mặc trang phục đen truyền thống của người Tày, gương mặt sáng long lanh, giọng nói dịu dàng đậm chất Bắc mời khách mua cam. Đó là Cẩm Ly, 26 tuổi, cô gái Tày ở Na Hang (Tuyên Quang). “Đây là cam Hàm Yên nổi tiếng, do người dân tộc Tày ở quê mình trồng”, Cẩm Ly giới thiệu.

Gian hàng trưng bày của cô khoảng 3 mét vuông nhưng có nhiều người đến tham quan và mua cam. Điều khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên và thắc mắc là tại sao cô gái này “dám liều” đem cam từ một nơi xa lạ thâm nhập vào thị trường có quá nhiều loại trái cây ngon nức tiếng, trong đó có cam sành- một sản phẩm có sức cạnh tranh mạnh so với tất cả những sản phẩm cùng loại. Cẩm Ly chỉ mỉm cười và từ tốn: “Cái gì cũng có đặc trưng và thế mạnh riêng”. Cô cho biết, trước khi vào miền Tây, cô cũng đã nghiên cứu thị trường và sản phẩm cạnh tranh với mình.

“Dẫu biết rằng, ở miền Tây cam sành là thế mạnh nhưng cô vẫn quyết thử sức bởi muốn sản phẩm của nông dân quê mình được vươn xa”, Cẩm Ly chia sẻ. Theo Ly, ưu điểm của cam sành Hàm Yên là vị ngọt thanh và chua đặc trưng nên ít nhiều cũng có sự khác biệt để tạo dấu ấn với khách hàng vùng sông nước miền Tây. Chính vì thế, cam Hàm Yên đã được người miền Tây đón nhận và 200kg cam cô đem đến hội chợ để chào hàng đã nhanh chóng được bán hết.

Kết thúc hội chợ, Cẩm Ly rong ruổi khắp các cơ sở sản xuất, nhà vườn, hợp tác xã… ở các tỉnh ĐBSCL gần cả tháng để học hỏi kinh nghiệm kinh doanh cũng như áp dụng kỹ thuật sản xuất để về hướng dẫn cho bà con vùng cao quê mình. Sau thời gian rong ruổi, Ly nhận ra ở miền Tây, nông dân rất am hiểu và nhiệt tình trao đổi kinh nghiệm với nhau, hạn chế tối đa sử dụng thuốc và phân hóa học, đặc biệt không sử dụng thuốc diệt cỏ. Thay vào đó, nông dân sử dụng thuốc sinh học, phân chuồng, phân vi sinh, hữu cơ. Ngoài ra, Ly còn học được kỹ thuật canh đọt, tỉa cành, xiếc nước, phát hiện bệnh sớm và các dấu hiệu nhận biết cây và bộ rễ khỏe hay yếu…

Đường tới thành công dần hiện rõ

Cẩm Ly là con gái cả trong gia đình 2 chị em, có mẹ là người Tày. Năm 2015 chị tốt nghiệp Học viện Tài chính Ngân hàng. Sau thời gian ngắn làm việc cho một ngân hàng ở Hà Nội, Cẩm Ly quyết định “rẽ ngang” sang kinh doanh cam. Cẩm Ly kể, cơ duyên đến với việc kinh doanh cam là vào dịp Tết năm 2016. Khi về thăm quê, chị xót xa thấy cảnh cam trúng mùa nhưng mất giá và nông dân lỗ, bởi bình thường, giá bán trung bình tại vườn trên 20.000 đồng/kg mới có lãi, nhưng khi vào vụ thì bị thương lái ép, giá giảm mạnh, thậm chí chỉ còn 7.000 – 8.000 đồng/kg. “Lúc đó, trong tôi nung nấu ý nghĩ sẽ làm gì đó để giúp người dân quê mình bớt khổ, thế là tôi thuê xe tải mua 5 tấn cam chở lên Hà Nội bán giúp họ”, Ly nói.

Sau chuyến bán cam đầu tiên, Ly tiếp tục những chuyến tiếp theo thì gia đình can ngăn vì sợ con gái vất vả, phải thức khuya dậy sớm, khuân vác và tìm thị trường. Tuy nhiên, Ly vẫn nhất quyết theo đuổi công việc bán cam và quyết định từ bỏ ngân hàng. Ly mở văn phòng ở Hà Nội và thuê nhân viên rồi mua cam từ Tuyên Quang đem về Hà Nội tiêu thụ bằng nhiều kênh như bán cho cửa hàng bán lẻ, bán qua mạng internet…

“Thời gian đầu vô cùng vất vả, tôi đến gõ cửa từng cửa hàng, siêu thị ở Hà Nội chào hàng nhưng họ đều lắc đầu vì lý do thích cam sành miền Tây hơn. Ngoài ra, người bán hàng không phân biệt được cam Hàm Yên với cam Trung Quốc nên họ cho rằng mình mua cam Trung Quốc trà trộn với cam Hàm Yên”, Ly kể.

Ly cùng FoodMap cùng kết hợp triển khai thị trường miền Nam

Chị tâm sự, có những lúc quá áp lực, thời gian đầu làm chưa có kinh nghiệm với đối tác và cả nông dân nên lỗ nhiều. Vì lo lắng cho con, cha Cẩm Ly định xin cho chị làm một công việc tốt nhưng Ly đều lắc đầu và xin cha cho mình một năm để khẳng định… Một năm trôi qua, với rất nhiều nỗ lực, vượt qua bao khó khăn vất vả, công việc làm ăn của Cẩm Ly đã dần ổn định và chị nhận thấy con đường dẫn đến thành công đang dần hiện rõ dưới chân mình.

Bà Vũ Kim Anh-Chủ nhiệm dự án mạng lưới sáng tạo khởi nghiệp – Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho rằng, điều quý ở Cẩm Ly là sự nhiệt tình, dám nghĩ dám làm và quan tâm đến đặc sản quê hương. “Chúng tôi tạo điều kiện giúp Cẩm Ly cụ thể hóa chính niềm đam mê và tâm huyết của mình”,bà Kim Anh nói.

Theo Tiền Phong

Sản phẩm đã xem

TOP